100.000 lao động Hàn Quốc đang gặp rủi ro vì những công ty "xác sống"

26/05/2017 11:21 AM | Xã hội

Nghiên cứu mới đây của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cùng tổ chức Financial Supervisory Service cho thấy nền kinh tế của xứ sở kimchi đang gặp vấn đề lớn với ngày càng nhiều công ty mắc nợ mà không đủ khả năng thanh toán.

Nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á này dù đã tăng cường cải cách nhưng vẫn phải đối mặt với các “công ty xác sống”, những doanh nghiệp vay nhiều mà không đủ khả năng thanh toán bằng lợi nhuận kinh doanh trong 3 năm liên tiếp. Số liệu của BoK cho thấy nước này đã có tới 3.278 doanh nghiệp xác sống vào năm 2015, bao gồm 232 công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán, một con số kỷ lục. Số liệu này cao hơn 17% so với năm 2012.

Dù đã từng được mệnh danh là con hổ Châu Á nhưng tăng trưởng của Hàn Quốc hiện đã giảm tốc xuống chỉ còn 2,7%/năm. Rất nhiều công dân nước này, đặc biệt là giới trẻ đang ngày càng có những quan điểm bi quan về tương lai.

“Trong 3 năm vừa qua đất nước chúng tôi có tăng trưởng GDP rất thấp và nó không đủ để gia tăng việc làm cũng như tiêu dùng. Chính điều này đã khiến các công ty xác sống không có nhiều cơ hội để cải thiện chi phí hoạt động”, Cựu giám đốc Financial Services Commission, ông Jun Kwang Woo nói.

Đối mặt với tình hình kinh tế không mấy sáng sủa trong khi vay nợ nhiều, các công ty xác sống đang tìm đến những khoản tín dụng đen nhằm sống xót qua thời kỳ khó khăn, qua đó đẩy hệ thống tài chính của Hàn Quốc vào tình trạng nguy hiểm.

Báo cáo của BoK cho thấy những công ty xác sống nước này đang thuê khoảng 100.000 nhân viên và có doanh số tương đương hơn 4,5% GDP Hàn Quốc. Dù chỉ chiếm khoảng 7% tổng doanh thu tại Hàn Quốc nhưng các công ty xác sống tại đây lại chiếm tới 45% tổng nợ.

Ví dụ điển hình là tập đoàn Daewoo mới được chính phủ bơm thêm 2,6 tỷ USD nhằm cứu trợ mới đây. Công ty hiện đang có hơn 10.000 nhân viên và có thể thiếu 4 tỷ USD tiền mặt trong vòng 2 năm tới do các khoản nợ.

Nhiều chuyên gia hiện khá lo lắng về tình hình kinh tế Hàn Quốc bởi nếu chính phủ không có biện pháp giải quyết những công ty xác sống như trên thì căn bệnh này có thể lan ra nhiều doanh nghiệp khác.

Năm 2015, các quan chức tài chính Hàn Quốc đã công bố kế hoạch cho phá sản những công ty xác sống cũng như cắt giảm khoản nợ doanh nghiệp khổng lồ đang ngày càng nhiều lên kể từ cuộc khủng hoảng 2008. Dẫu vậy, tình hình vẫn không sáng sủa hơn do chính phủ lo ngại những tác động xã hội sâu xa khi cải tổ cấu trúc các công ty xác sống này.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia vẫn hy vọng nếu nền kinh tế Hàn Quốc khôi phục tăng trưởng, những công ty xác sống này có thể tự cứu lấy mình mà không cần trợ giúp từ chính phủ.

BT

Cùng chuyên mục
XEM