10 ngày phơi bày ác mộng nợ nần chồng chất và khủng hoảng niềm tin của chuỗi Món Huế

30/10/2019 06:59 AM | Kinh doanh

Những khủng hoảng tài chính, quản trị của Món Huế được phơi bày phần nào như một dấu hiệu khép lại viễn cảnh thành chuỗi nhà hàng 100 triệu đô của thương hiệu này sau 10 năm gây dựng.

Khai tử toàn bộ chuỗi cửa hàng Món Huế

Tuần qua, thông tin chuỗi Món Huế , thương hiệu ẩm thực đầu tiên và nổi tiếng nhất trong hơn loạt thương hiệu của Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam đóng cửa và bị tố nợ tiền nhà cung cấp, nhân viên với con số được cho là có thể lên tới cả trăm tỷ đồng gây xôn xao.

Những bất ổn trong hoạt động của Món Huế bắt đầu hé lộ vào ngày 21/10, khi hàng chục nhà cung cấp từ rau, thịt, hoa quả cho đến khăn lạnh, ga, văn phòng phẩm… kéo đến Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế (đơn vị quản lý chuỗi Món Huế) trên đường Võ Văn Kiệt, Q.1, TP HCM yêu cầu thanh toán khoản nợ quá hạn.

Giấy công nợ của các nhà cung cấp thể hiện Món Huế nợ từ vài triệu đồng tiền mực in, thuê máy photocopy, lá chuối, rau thơm, chanh tươi… đến vài tỷ đồng tiền nguyên liệu thịt bò, giò chả. Chiều 22/10, sự việc vỡ lở, thêm thông tin, Món Huế vẫn nợ 70% lương tháng 9/2019 của nhân viên, thổi bùng cơn bão "tố" Món Huế "quỵt" tiền trên các kênh thông tin đại chúng.

 10 ngày phơi bày ác mộng nợ nần chồng chất và khủng hoảng niềm tin của chuỗi Món Huế - Ảnh 1.

Ngày 21/10, nhà cung cấp Món Huế căng băng rôn trước trụ sở công ty TNHH Nhà hàng Món Huế tại TP HCM.

 10 ngày phơi bày ác mộng nợ nần chồng chất và khủng hoảng niềm tin của chuỗi Món Huế - Ảnh 2.

Nhiều người tung bằng chứng "tố" Món Huế nợ tiền quá hạn không thanh toán.

Sau nhiều ngày không hồi đáp yêu cầu thanh toán nợ từ nhà cung cấp, ông Huy Nhật, người sáng lập Món Huế và bà Ngô Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhà Hàng Món Huế cùng cộng sự cũng không còn xuất hiện tại trụ sở Món Huế. Công ty trả mặt bằng và cho toàn bộ nhân viên hành chính, quản lý, bảo vệ nghỉ việc.

Ngày 22/10, chuỗi hơn 90 cửa hàng của Món Huế rải khắp Bắc Nam được ghi nhận đã đóng cửa không rõ nguyên nhân khiến các nhà cung cấp nguyên liệu và người tiêu dùng của Món Huế không khỏi ngỡ ngàng.

Hai ngày sau đó, tất cả các tên tuổi khác thuộc chuỗi của Huy Việt Nam cũng không còn hoạt động. Hệ thống website của Huy Việt Nam và Phở Ông Hùng ghi nhận không thể truy cập từ chiều 22/10.

 10 ngày phơi bày ác mộng nợ nần chồng chất và khủng hoảng niềm tin của chuỗi Món Huế - Ảnh 3.

Món Huế đóng cửa hàng loạt cửa hàng.

 10 ngày phơi bày ác mộng nợ nần chồng chất và khủng hoảng niềm tin của chuỗi Món Huế - Ảnh 4.

Trái với cảnh tượng huy hoàng trước đó, Món Huế trả mặt bằng tháo dỡ biển quảng cáo.

 10 ngày phơi bày ác mộng nợ nần chồng chất và khủng hoảng niềm tin của chuỗi Món Huế - Ảnh 5.

Cảnh tượng bên trong một nhà hàng Món Huế khiến nhiều người không khỏi nuối tiếc cho một thương hiệu nổi tiếng.

Món Huế "bỏ của chạy lấy người"

Trong cuộc tháo chạy, Món Huế ở Hà Nội để lại bàn ghế và nhiều tài sản có giá trị như nồi nấu, máy xay, máy lọc nước. Trong cảnh nợ nần ngập đầu, có nơi, công ty này trả địa điểm sớm trước thời hạn gần 3 tháng, chấp nhận mất trắng 450 triệu đồng thuê mặt bằng đã chi trả trước đó.

Thậm chí, một số nguồn tin chưa kiểm chứng cho rằng, tối muộn ngày 26/10, nhiều nhân viên chi nhánh Món Huế tại Cống Quỳnh TP HCM đã đến cửa hàng để di chuyển 1 số tài sản, tìm cách bán để trừ nợ lương của Món Huế.

 10 ngày phơi bày ác mộng nợ nần chồng chất và khủng hoảng niềm tin của chuỗi Món Huế - Ảnh 6.

Món Huế ở Hà Nội dời đi, để lại nhiều tài sản như bàn ghế, bếp nấu.

Xuất hiện nhà đầu tư cá nhân bí ẩn

Ngày 27/10, trong tâm điểm của sự sụp đổ theo dạng domino của hệ thống cửa hàng, và sự im lặng của ông Huy Nhật và cộng sự, bà K.H - một nhà đầu tư tại Huy Việt Nam bất ngờ trả lời báo giới. Với tư cách cá nhân, bà đang muốn tìm kiếm giải pháp vực dậy thương hiệu Món Huế giữa cơn khủng hoảng nợ công và mất niềm tin của các nhà cung cấp.

Là người duy nhất lên tiếng trong bối cảnh tăm tối của Món Huế và chọn cách giấu danh tính, sự xuất hiện của bà K.H nhanh chóng gây sự chú ý.

Một nhóm các nhà đầu tư bao gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital (đại diện cho một nhóm các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế đã rót hơn 70 triệu USD vào Huy Việt Nam) cho biết, nhóm không biết bà K.H là ai, và mong muốn bà lên tiếng xác minh bản thân và liên lạc với nhóm. Đại diện nhóm này cũng đặt nghi vấn về việc "đánh lạc hướng dư luận" khi bà K.H xuất hiện.

Nhóm các nhà đầu tư này cũng cho biết thêm, họ đã xin được lệnh phong tỏa tài sản của ông Huy Nhật từ các cơ quan tài phán ở nước ngoài, đồng thời tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện ông Huy Nhật và các cộng sự.

Những động thái khó hiểu của Món Huế trong tâm bão

Trong suốt 10 ngày qua, động thái duy nhất được cho là từ phía Món Huế khi ngày 28/10, có 1 nhà cung cấp lên tiếng cho biết, họ được Món Huế chi trả 50 triệu đồng trong tổng số hơn 300 triệu đồng tiền công nợ. Các nguồn tin không chính thống khác cũng đồn đoán, đã có ít nhất vài nhà cung cấp phía Bắc được Món Huế trả nợ.

Việc trả nhỏ giọt tiền nợ và không đúng cam kết của Món Huế làm dấy lên luồng ý kiến cho rằng đây là cách doanh nghiệp này xoa dịu nhà cung cấp, kéo dài thời gian.

Đây không phải động thái duy nhất gây nhiều tranh cãi của Món Huế, 10 ngày trước khi âm thầm đóng cửa chuỗi cửa hàng, hồ sơ của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ghi nhận Công ty Huy Việt Nam thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Huy Nhật sang ông Nguyễn Quỳnh Anh.

Ông Quỳnh Anh sinh năm 1984 và giữ vị trí giám đốc công ty. Trước khi website Huy Việt Nam báo lỗi, truy cập mục lãnh đạo, thông tin về ông Quỳnh Anh không được giới thiệu như ông Huy Nhật trước đó.

 10 ngày phơi bày ác mộng nợ nần chồng chất và khủng hoảng niềm tin của chuỗi Món Huế - Ảnh 7.

Website của Huy Việt Nam, Phở Ông Hùng không thể truy cập ngày 22/10.

Hé lộ bức tranh tài chính tăm tối trước khi Món Huế "ngã ngựa"

Sở hữu nhiều thương hiệu như Món Huế, Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, Great Bánh Mì, Phở 99 và TP Tea, vào thời kỳ đỉnh cao, Huy Việt Nam tuyển dụng hơn 2.000 nhân viên và phục vụ 47.000 khách hàng mỗi ngày.

Không chỉ vậy, năm 2017, công ty này thông báo khởi công xây dựng 2 nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An và Hà Nội, trị giá gần 40 triệu USD.

Tuy nhiên, khi sự việc của Món Huế vỡ lở, các nhà đầu tư tiết lộ 3 năm gần nhất, lợi nhuận của doanh nghiệp xuống dốc nhanh, lỗ lũy kế của Món Huế tới cuối năm 2018 là trên 100 tỷ đồng. Cùng thời điểm cuối năm 2018, nợ phải trả của Món Huế là 841 tỷ đồng.

 10 ngày phơi bày ác mộng nợ nần chồng chất và khủng hoảng niềm tin của chuỗi Món Huế - Ảnh 8.

Dự án nhà máy triệu đô của Món Huế "đắp chiếu" nhiều năm.

Ghi nhận dự án nhà máy triệu đô của doanh nghiệp này tại Hà Nội cũng chỉ là bãi đất hoang, trở thành điểm tập kết rác.

Sau hào quang, Món Huế khép lại đầy đáng tiếc, thậm chí đánh mất niềm tin của không ít nhà cung cấp đã đồng hành cùng thương hiệu này nhiều năm. "Cha đẻ" của Món Huế đang ở đâu, doanh nghiệp này sẽ ứng xử thế nào khi cơn khủng hoảng này chưa có dấu hiệu dừng lại vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Theo Hoàng Linh

Cùng chuyên mục
XEM