10 năm bị chồng bạo hành của phó chủ tịch quỹ hàng tỷ đô la

03/05/2016 10:32 AM | Kinh doanh

Quyết định của mẹ tôi bị coi là vô lý và mẹ đã bị nhiều người nhạo báng “Cô là một bà mẹ tồi tệ. Cô thật ích kỷ, cô không nghĩ cho các con. Không đàn bà Việt Nam nào lại làm như thế!”

Quyết định thay đổi cuộc đời

Trần Hùng John, chàng Việt kiều Mỹ, tác giả cuốn sách “John đi tìm Hùng” – chia sẻ câu chuyện về người phụ nữ Việt dám thay đổi để có cuộc sống tốt đẹp hơn với mong muốn truyền cảm hứng cho những người phụ nữ Việt Nam được sống là chính mình. Người phụ nữ mạnh mẽ, can đảm đó chính là mẹ Hùng. Từ một người bị họ hàng, làng xóm dè bỉu vì “tội” bỏ chồng, bà đã vươn lên trở thành phó chủ tịch một công ty đầu tư quản lý hàng tỷ đô la.

Hùng kể, sau 10 năm chịu bạo hành về tâm lý và tình cảm, 10 năm bị nói rằng bà sẽ chỉ có thể làm một bà nội trợ, 10 năm chịu đựng những trận say rượu của bố, 10 năm kìm nén những tài năng, mơ ước và mong muốn, 10 năm sau khi bị ép cưới và sinh con khi mới 18 tuổi, mẹ anh quyết định bà không thể làm một phụ nữ kiểu Việt Nam truyền thống thêm được nữa.

Bà quyết định ly dị chồng dù phải nghe những lời ngăn cản của mẹ đẻ “Phụ nữ Việt Nam không ai bỏ chồng”, dù gặp phải sự phản đối của các con và những lời đe dọa giết chết từ chồng. Lúc đó, chính Hùng cũng đổ lỗi cho mẹ vì đã phá vỡ gia đình và phá hoại cuộc đời anh. Bởi lúc đó, Hùng chưa thể hiểu hết những gì mẹ chịu đựng, những khó khăn mà một người phụ nữ Việt Nam phải chịu.

Quyết định của mẹ Hùng ngày đó bị bạn bè, họ hàng cho là vô lý, người ta nhạo báng bà “là một bà mẹ tồi tệ, ích kỷ, không nghĩ cho các con”, họ dè bỉu bà vì “không đàn bà Việt Nam nào lại làm như thế”. Ngay cả mẹ đẻ (bà ngoại của Hùng) cũng phản đối quyết định của con gái ngày ấy.

“Mẹ tôi chịu đựng tất cả, trong tim mình bà biết bà đã quyết định đúng. Mẹ tôi đã ngẩng cao đầu vì biết mình không làm gì sai. Đương nhiên mọi chuyện không dễ dàng. Không có bằng đại học nghĩa là bà đã phải làm việc vất vả hơn, và bà đã làm được.

Khi đó nhà tôi không có những thứ mới hay hào nhoáng, nhưng mẹ luôn đảm bảo bọn tôi không bao giờ thiếu thứ gì.

Bà đã không thể làm một bà mẹ kiểu Việt Nam truyền thống mà theo sát từng bước của chúng tôi nữa, thay vào đó, mẹ dạy các con cách trở nên tự lập và dù không có bố, mẹ vẫn dạy cho chúng tôi trở thành những người đàn ông thực sự.

Mẹ tôi đã có thể ở lại với chồng và nghe lời làm một người vợ ngoan ngoãn, như thế có vẻ dễ hơn. Khi đó gia đình tôi mới mua một ngôi nhà mới và tài chính khá ổn định. Nhưng mẹ tôi đã có những giấc mơ và khát vọng lớn hơn của riêng bà. Vì thế bà từ bỏ lựa chọn an toàn và quyết định trở thành một người mẹ đơn thân, tự một mình nuôi hai con trai khi trên tay không có gì ngoài một tấm bằng trung học phổ thông (bố tôi giữ lại ngôi nhà).

Nếu mẹ tôi chịu thua những áp lực mà xã hội Việt Nam đặt lên phụ nữ một cách không cần thiết, thì bà đã không thể trở thành một người phụ nữ thành công như hôm nay.

Mẹ đã từ bỏ cuộc sống của một người phụ nữ Việt truyền thống, từ bỏ ngôi nhà mà bố tôi đã mua, để bà có thể tự mua một ngôi nhà to hơn, thậm chí mua được thêm một căn nhà cho bà ngoại, để mẹ được chính là bản thân mình.

Là phó chủ tịch của một công ty đầu tư quản lý hàng tỷ đô la, bà đã tìm thấy những thành công tuyệt vời trong sự nghiệp. Năm 2013, mẹ đã tái hôn với một người đàn ông thực sự yêu, tôn trọng và trân trọng mẹ”, Hùng chia sẻ.

Tại sao phần hi sinh lại thuộc về phụ nữ?

Chàng Việt kiều tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học, Đại học Berkeley, Mỹ, cho rằng cách nuôi dạy, giáo dục trẻ con (đặc biệt là trẻ em gái) chính là nguyên nhân khiến những người phụ nữ nghĩ rằng mình buộc phải làm mẹ, phải hi sinh hạnh phúc cũng như mục tiêu cá nhân cho gia đình, con cái.

“Xã hội Việt Nam dạy các bé gái điều này từ khi các em còn nhỏ. Hãy nhìn các món đồ chơi mà người lớn cho các bé gái chơi: búp bê, đồ nấu bếp… hoặc những đồ khác liên quan tới việc làm nội trợ. Các cuốn sách giáo khoa Việt Nam ở trường học cũng vẽ những hình ảnh tương tự. Hơn thế, gia đình, bạn bè và xã hội cùng nhau ủng hộ tư duy phụ nữ là phải có trách nhiệm hy sinh vì gia đình.

Trong tâm lý học, có một khái niệm gọi là lời tiên tri tự đúng (self-fulfilling prophecy). Nghĩa là khi bạn được nói cho một điều gì đó, nó sẽ gián tiếp và trực tiếp ảnh hưởng đến cách nghĩ của bạn, làm tăng khả năng niềm tin đó trở thành hiện thực. Nếu phụ nữ thường xuyên được bảo rằng trách nhiệm của họ là như vậy, năng lực của họ chỉ đến như thế, thì dần dần họ sẽ tin những điều đó đúng là thật. Đây chính là điều đang diễn ra với phụ nữ Việt Nam”, Hùng phân tích.

Sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng luôn đau đáu về quê hương, chàng Việt kiều Mỹ từng đi xuyên Việt 80 ngày với chiếc ví rỗng để trải nghiệm cuộc sống và tìm hiểu về con người Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng luôn đau đáu về quê hương, chàng Việt kiều Mỹ từng đi xuyên Việt 80 ngày với chiếc ví rỗng để trải nghiệm cuộc sống và tìm hiểu về con người Việt Nam.

Hùng John cho rằng quan niệm người mẹ phải hy sinh một cách vô điều kiện cho con cái mình cần phải thay đổi.

“Tại sao chỉ có phụ nữ mới hy sinh vô điều kiện cho con cái, trong khi để làm ra một người con thì cần có cả cha và mẹ. Có một câu nói: “Cần cả một ngôi làng thì mới nuôi được một đứa trẻ”. Không may là nhiều người bố ở Việt Nam không tích cực tham gia vào cuộc đời của con cái. Họ phần lớn chỉ đóng vai trò là người kỷ luật bọn trẻ. Việc nuôi con và hy sinh cho con không nên chỉ là trách nhiệm của người phụ nữ, đặc biệt là bây giờ có nhiều phụ nữ không chỉ ở nhà mà còn đi làm và phát triển sự nghiệp. Người chồng phải là người đàn ông giúp đỡ vợ trong mọi khía cạnh của cuộc sống”, Hùng nói.

Chàng Việt kiều từng đi bộ xuyên Việt 80 ngày với chiếc ví rỗng để trải nghiệm cuộc sống và tìm hiểu về con người Việt khẳng định rằng, việc ly hôn của người lớn không hề ảnh hưởng đến sự phát triển của con cái.

“Tỷ lệ ly hôn ở Mỹ rất cao, 50%. Nếu trẻ con không phát triển bình thường thì nửa số trẻ ở Mỹ chắc đều có vấn đề. Việc quan trọng là phải giải thích cho con cái. Và tin tôi đi, như vậy còn tốt hơn là để đứa trẻ lớn lên trong một nhà nhưng sau này phát hiện ra rằng bố mẹ chúng không yêu nhau. Tôi có rất nhiều bạn Việt Nam có bố mẹ vẫn ở với nhau “vì trách nhiệm với con cái”, nhưng như thế ảnh hưởng rất tiêu cực tới các con. Mối quan hệ của bố mẹ giống như tiêu chuẩn cho các con nhìn vào, và để lại trong đầu các con hình ảnh sai lệch về một mối quan hệ không lành mạnh.

Nhưng tôi xin nói rõ ràng rằng tôi không quảng bá cho xu hướng làm cha mẹ đơn thân. Đương nhiên có cả hai bố mẹ thì vẫn tốt hơn cho con, nhưng chỉ khi người bố cũng yêu thương, chăm sóc con như người mẹ. Nếu người bố dành phần lớn thời gian làm việc hoặc đi với bồ và chỉ về nhà khi nào thích, thì người vợ đúng là không cần anh ta”, Hùng nói.

Theo Kim Minh

Cùng chuyên mục
XEM