Tháng 3/2017, trong bảng xếp hạng thường niên, Forbes gọi bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú đôla đầu tiên của Đông Nam Á. Khi ấy, CEO Vietjet Air có số tài sản ròng khoảng 1,2 tỷ USD.

Hiện 46 tuổi, bà Nguyễn Thị Phương Thảo giữ chức vụ Phó chủ tịch kiêm CEO hãng hàng không tư nhân Vietjet Air, Chủ tịch Sovico Holding, Chủ tịch hội đồng thành viên Hướng Dương Sunny và Phó chủ tịch HDBank. Phần lớn tài sản của bà Thảo đến từ số cổ phần đã niêm yết của Vietjet Air (mã chứng khoán VJC) sau khi hãng bay này lên sàn vào tháng 2/2017. Ngày 5/1/2018, HDBank, một trong những mũi nhọn kinh doanh của nữ tỷ phú này, cũng sẽ được niêm yết.

Trong bài phỏng vấn đầu tiên sau thời điểm được công nhận là tỷ phú USD, bà thẳng thắn bày tỏ rằng việc kinh doanh của mình không đơn giản là “động vào đâu cũng ra lợi nhuận”.

Khi cổ phiếu của công ty duy nhất bà Thảo đứng vị trí điều hành trực tiếp được IPO trên sàn chứng khoán Việt Nam, nữ doanh nhân này sở hữu trực tiếp 9,42% vốn và gián tiếp 23,24% thông qua công ty Hướng Dương Sunny. Theo giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên, bà Thảo có tổng tài sản trên sàn đạt 10.600 tỷ đồng. Thời điểm ấy, Forbes ghi nhận tài sản của bà là 1,2 tỷ USD, nhưng định giá lên tới 1,7 tỷ USD.

Dưới sự tăng trưởng thần tốc của giá VJC, tài sản của CEO Vietjet Air ngày càng phình to. Tính đến cuối năm 2017, bà Thảo có trong tay 168,5 triệu cổ phiếu VJC, tức là 24.854 tỷ đồng.

Bảng danh sách cập nhật những người giàu nhất thế giới của Forbes cũng cho thấy, vị trí của bà Thảo từ 1.678 đã leo lên mốc 993, ghi nhận số tài sản đạt 2,5 tỷ USD.

Tháng 11/2017, Forbes công bố danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Việt Nam góp mặt một cái tên là CEO Vietjet Air, đứng tại vị trí thứ 55, tăng 7 bậc so với năm 2016.

Lần thứ hai xếp chung danh sách với những người nổi tiếng toàn cầu như Thủ tướng Đức Angela Merkel, chủ tịch quỹ Bill and Melinda, COO Facebook Sheryl Sandberg..., bà Thảo được ghi nhận nhờ những dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh doanh. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để xếp hạng của Forbes, bên cạnh ghi nhận ảnh hưởng của các ứng viên trong nhiều lĩnh vực như chính trị, truyền thông, công nghệ, thiện nguyện…

Cổ phiếu mới chỉ lên sàn 1 năm, nhưng CEO Vietjet đã nhanh chóng chiếm lấy vị trí thứ 3 trong danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2017. Bà cũng trở thành nữ doanh nhân giàu nhất, với tổng tài sản được thống kê ở mức 23.737 tỷ đồng.

Đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, một nữ doanh nhân lọt được vào top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán sau nhiều năm giới nam doanh nhân độc tôn 3 vị trí đứng đầu. Lần gần nhất là năm 2012, khi ngôi vị này gọi tên bà Phạm Thu Hương, vợ của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng chỉ được ghi nhận số tài sản ở mức rất khiêm tốn, chưa đầy 3.000 tỷ đồng.

Điều đặc biệt là mặc dù chỉ được xếp hạng 3 trên sàn chứng khoán Việt Nam, nhưng bà Thảo lại cùng ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup, đứng trong bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Forbes. Một “tỷ phú” khác đứng trên bà Thảo về tài sản ở sàn chứng khoán Việt Nam nhưng không được Forbes xếp hạng.

Sở hữu hãng hàng không giá rẻ tư nhân thành công nhất Việt Nam là Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo thực tế đã phải trải qua thời gian đầu rất khó khăn với dự án này, trước áp lực cạnh tranh của ông lớn Vietnam Airlines và con mắt nghi ngờ của thị trường.

Bà mất tới 10 năm nghiên cứu các mô hình hàng không giá rẻ như Southwest, Ryan Air và AirAsia, trước khi chính thức nhận được giấy phép đầu tư Vietjet vào năm 2007. Tuy nhiên, giá dầu cao đã buộc bà phải trì hoãn kế hoạch khởi động. Năm 2010, bà Thảo đạt được thỏa thuận liên doanh với AirAsia nhưng khi tiến hành lại gặp vướng mắc, khiến liên doanh đổ vỡ.

Một năm sau, bà tự mở hãng hàng không riêng. Thông qua công ty Sovico Holdings, bà và chồng - ông Nguyễn Thanh Hùng - là chủ sở hữu chính của Vietjet Air.

Hãng bay này tăng trưởng rất thần tốc. Chỉ trong giai đoạn 2012 - 2016, Vietjet Air chiếm được 29% thị phần nhờ sức tăng trưởng của ngành giao thông vận tải, với động lực là kết quả kinh doanh kém hiệu quả của đối thủ chính, Vietnam Airlines.

Hiện tại, Vietjet chiếm tới hơn 40% thị phần nội địa, ghi nhận lãi kinh doanh ngay trong năm thứ hai cất cánh.

Vốn là người nhỏ nhắn, bà Nguyễn Thị Phương Thảo chuộng phong cách ăn mặc có phần đặc biệt mỗi khi xuất hiện. Những bộ đồ của bà thường nổi bật về tông màu, dù được thiết kế theo hơi hướng kiểu cách hay đơn giản.

Vào các dịp ký kết hợp đồng quan trọng, có mặt đại diện Chính phủ, bà Thảo thường chọn áo dài một màu, đỏ hoặc vàng nổi bật. Trong các sự kiện lớn của công ty, ví như lần đánh cồng ghi dấu ngày đầu tiên cổ phiếu Vietjet giao dịch trên sàn, vị nữ tỷ phú này lại chọn một bộ cánh màu xanh vàng với phom dáng lạ mắt.

Bà Thảo khá tiết chế về phụ kiện đi cùng trang phục, nhưng thường thay đổi cách làm tóc cho phù hợp với không gian. Hai kiểu tóc được bà ưa chuộng nhất là để buông hoặc búi cao trên đỉnh đầu, đi kèm với tóc mái hỉ nhi vốn đã trở thành thương hiệu. Nhiều người từng truyền tai nhau rằng bà Thảo thường tự cắt tóc mái cho mình, thay vì tin tưởng các chuyên gia thời trang.

CEO Vietjet Air có nụ cười ngọt ngào. Khi nói chuyện với người đối diện bà thường chọn phong cách nhẹ nhàng, có phần lễ phép với tiếng: “Dạ thưa!”.

Dù vậy, những người từng tiếp xúc với bà, ví dụ như hãng tin CNBC lại đưa ra “cảnh báo” đừng để vẻ ngoài của bà chủ Vietjet Air đánh lừa. Thực chất, bà Thảo hoàn toàn không phải là người phụ nữ: " Dạ thưa!".

John Leahy, Tổng giám đốc Thương mại toàn cầu của Airbus, từng nhận xét: CEO Vietjet là “người phụ nữ có bàn tay sắt bọc nhung” bởi sự cứng rắn bên trong vẻ ngoài mềm mỏng mỗi khi đàm phán hợp đồng.

Thực tế, sức làm việc của bà Thảo không thua kém bất cứ nam doanh nhân nào. Phụ trách vị trí lãnh đạo hàng đầu của nhiều công ty lớn, bà nhận mình là người đã quen với guồng công việc có khi kéo dài tới 21 tiếng mỗi ngày trong suốt 30 năm. Nữ tính trong vị CEO này làm cho việc kinh doanh trở nên mềm mỏng, thuyết phục, tựa như “lạt mềm buộc chặt”, còn những kiến thức như quản trị, điều hành trong công việc thường nhật giúp mọi việc gọn gàng, logic.

Thành công từ khi còn trẻ, gây dựng được đế chế kinh doanh đáng ngạc nhiên ở Việt Nam, nhưng bà Thảo là người khá kín tiếng với giới truyền thông trong nước. Với các ký giả nước ngoài, nữ tỷ phú có phần cởi mở hơn, nhất là trong giai đoạn trước và sau khi Vietjet Air lên sàn chứng khoán Việt Nam.

Tháng 3/2017, Forbes công bố bảng xếp hạng tỷ phú thường niên, và gọi tên bà Thảo. Tháng 4/2017, xuất hiện tại sự kiện Forbes Vietnam Women Summit 2017, bà thừa nhận danh xưng tỷ phú vẫn còn khá xa lạ với mình, bởi nữ CEO này chưa bao giờ dừng lại để đo đếm tài sản của bản thân, dù là khi trở thành triệu phú, hay được xếp trong danh sách những người giàu nhất thế giới.

"Tôi chưa từng dừng lại và đong đếm khối tài sản của mình. Tôi chỉ tập trung vào việc làm thế nào để công ty tăng trưởng, làm thế nào để nâng mức thu nhập trung bình của nhân viên, làm thế nào để hãng hàng không chiếm lĩnh nhiều thị phần hơn và biến nó trở thành hãng hàng không số một”

Sinh năm 1970, Nguyễn Thị Phương Thảo đi du học Nga từ năm 17 tuổi. Một năm sau, bà Thảo bước chân vào thương trường khi đang là sinh viên năm thứ hai ngành kinh tế tài chính ở Moscow. Với số vốn khiêm tốn, bà đảm nhận vai trò là nhà phân phối các sản phẩm quần áo, văn phòng phẩm, hàng tiêu dùng từ Nhật Bản, Hong Kong, Hàn Quốc và bán lại ở Nga.

“Tôi đã làm việc cật lực và có được lòng tin của nhà cung cấp vì luôn luôn trung thực với họ. Tôi không có nhiều vốn, nhưng nhờ sự tin tưởng, họ đã cho phép tôi nhận hàng trả chậm ngày càng nhiều hơn”.

Sau 3 năm, bà kiếm được 1 triệu đôla đầu tiên và bắt đầu chuyển sang kinh doanh các mặt hàng công nghiệp như sắt thép, máy móc, phân bón… Quay về Việt Nam, bà góp vốn thành lập Techcombank và Ngân hàng cổ phần Quốc tế (VIB). Hiện tại, bà Thảo và gia đình là những người có quyền lực nhất tại HDBank (niêm yết cổ phiếu ngày 5/1/2018) nhưng không giữ chức Chủ tịch ngân hàng như một số đại gia khác (bầu Hiển, ông Dương Công Minh, ông Đỗ Minh Phú).

Là chủ sở hữu của Vietjet, HDBank, nhiều dự án bất động sản lớn…, vào Top tỷ phú, phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes, bà Thảo là nữ doanh nhân Việt khởi nghiệp từ Đông Âu nổi bật nhất.

Ngày 25/12/2011, Vietjet Air thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên, đánh dấu kết quả hơn 10 năm cố gắng đầu tư vào thị trường hàng không của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo. Trước đó, hãng bay này mới chỉ được số ít người biết đến nhờ phong cách thiết kế trang phục hiện đại của đội tiếp viên hàng không.

Nhưng những chuyến bay đầu tiên đã định hình Vietjet Air là hãng bay có hình ảnh táo bạo, khi tiếp viên của hãng mặc bikini trong chuyến bay khai trương có điểm đến là các vùng biển. Hình ảnh nóng bỏng này còn xuất hiện trên lịch của VietJet. Truyền thông quốc tế ngay lập tức đặt tên cho Vietjet là “Bikini Airlines”.

Trong một vài lần biểu diễn, Vietjet đã bị cơ quan quản lý tuýt còi, nhưng người đứng đầu hãng bay này cho rằng hình ảnh đó là phù hợp và chỉ nhằm truyền đi thông điệp khích lệ, tự tin. Tại sự kiện Forbes Vietnam Women Summit 2017, khi được hỏi về sự cố bị tuýt còi này, bà Thảo từng gọi đó là một “tai nạn nghề nghiệp”, nhưng khẳng định, nếu được làm lại, bà sẽ vẫn thực hiện chiến dịch gây tranh cãi này.