10 điểm nhấn trong lĩnh vực ngân hàng năm 2017

24/12/2017 09:34 AM | Kinh tế vĩ mô

Như thường lệ, BizLIVE chọn lọc những hoạt động ngân hàng nổi bật trong năm 2017, giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan nhất về lĩnh vực này.

Năm 2017 sắp qua đi, ngành ngân hàng đã đạt được những thành tích kinh doanh xuất sắc khi nhiều ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận nghìn tỷ đồng và vượt kế hoạch năm ngay trong quý III/2017.

Trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 nhằm tiếp tục siết "kỷ luật tài chính". Bên cạnh mảng “màu son” vẫn còn những gam màu vẽ dở dang trong bức tranh ngân hàng khi công – tội vẫn là ranh giới mong manh trong lĩnh vực này.

1. Cho phép phá sản ngân hàng

Trong những tháng cuối năm 2017, thị trường ngân hàng "dậy sóng" vì quy định cho phép phá sản ngân hàng trong Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi (hiệu lực từ ngày 15/1/2018).

Theo đó, sẽ có 5 phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, phương án xấu nhất là cho phá sản.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, việc phá sản ngân hàng chỉ được thực hiện khi không ảnh hưởng lớn đến sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, về quyền và lợi ích của người gửi tiền.

Thực tế, việc cho phép phá sản ngân hàng đã có từ hai mươi năm trước, được đề cập đến trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997, rồi luật sửa đổi năm 2010. Luật Phá sản năm 2014 có hẳn một chương riêng về phá sản các tổ chức tín dụng.

Do đó, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng lần này cho phép phá sản ngân hàng cũng là tạo sự đồng bộ, hoàn thiện về mặt pháp lý.

2. Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu – Hàng loạt tài sản khủng được rao bán

Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) của Quốc Hội về thí điểm xử lý nợ xấu có hiệu lực từ 15/8/2017.

Có "Thượng phương bảo kiếm", Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng (VAMC) “trảm” đầu tiên tòa tháp Saigon One Tower (quận 1, TP.HCM) để xử lý 7.000 tỷ đồng nợ xấu của nhóm khách hàng: Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower; Công ty cổ phần Đầu tư Liên Phát; Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Minh Quân và Công ty cổ phần Tân Superdeck M&C.

Các ngân hàng cũng ồ ạt công khai rao bán tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu.

Agribank rao bán cao ốc V-Ikor của chủ đầu tư Việt Thuận Thành.

Sacombank cũng bán đấu giá tài sản 03 quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hoà III - Long An, tổng giá khởi điểm gần 10.000 tỷ đồng.

Các ngân hàng: Vietinbank, BIDV, Techcombank... cũng liên tục rao bán tài sản nợ xấu, do đó đã lộ ra nhiều khoản nợ xấu của các Tổng công ty, doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 (Generalexim - mã TH1)…

3. Thông tư 39 về quy chế cho vay mới, bỏ cho vay hộ gia đình

Từ 15/3/2017, các tổ chức tín dụng thực hiện quy chế cho vay mới tại Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng là pháp nhân, cá nhân.

Như vậy, các đối tượng không phải là pháp nhân: hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân thì không đủ tư cách chủ thể vay vốn tại tổ chức tín dụng. Muốn vay vốn, các đơn vị này sẽ do cá nhân là chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân đứng ra vay vốn ngân hàng.

4. NHNN giảm lãi suất điều hành 0,25% từ 10/7/2017

Bắt đầu từ ngày 10/7/2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành: lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm đối với các ngân hàng. Mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2014, NHNN giảm các mức lãi suất điều hành.

Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,5% còn 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5% còn 4,25%/năm.

Giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND.

Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm.

Số liệu từ NHNN, tính đến tháng 11/2017, mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm. Lãi suất cho vay VND ngắn hạn thông thường ở mức 6,8-9%/năm.

Lãi suất cho vay VND trung, dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm, cho vay thông thường từ 9,3-11%/năm.

5. “Làn sóng” vốn ngoại rút khỏi các ngân hàng Việt

“Miếng bánh ngon ngân hàng Việt” đã không còn hấp dẫn ngân hàng ngoại?

Sau nhiều năm hợp tác nội – ngoại trong lĩnh vực ngân hàng, với sự hỗ trợ vốn, kỹ thuật, quản trị… của đối tác ngoại, năm 2017, ngân hàng Việt đã chứng kiến cảnh nhiều ngân hàng ngoại “chia tay” khi đã từng gắn bó hàng chục năm.

"Làn sóng" rút vốn diễn ra khi tháng 4/2017, ngân hàng ANZ Việt Nam đã bán toàn bộ mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho một đối tác nước ngoài là ngân hàng Shinhan Việt Nam.

Đỉnh điểm là cuộc kết hợp đình đám HSBC – Techcombank “tan rã” sau 12 năm gắn bó.

Ngân hàng HSBC đã rút toàn bộ 19,41% vốn góp tại ngân hàng Techcombank. Điều này khiến Techcombank phải bỏ hơn 4.000 tỷ đồng để mua lại toàn bộ cổ phiếu này làm cổ phiếu quỹ, ghi nhận giảm vốn điều lệ.

Ngân hàng đến từ Úc là Commonwealth Bank of Australia (CBA) – cổ đông lớn nhất nắm 20% vốn của ngân hàng VIB cũng đã thoái hết vốn tại ngân hàng này.

Trước đó, "phát súng" đầu tiên là ANZ thoái 9,61% vốn khỏi ngân hàng Sacombank năm 2012. Năm 2013 là Oversea-Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) rút 15% vốn đã đầu tư vào ngân hàng VPBank.

Tiếp đến tháng 3/2016, Stanchard Chartered công bố rút vốn khỏi ngân hàng ACB khi đang nắm giữ 15% vốn của ngân hàng này.

6. Đứt đoạn sở hữu chéo

Cuối cùng, Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước buộc các ngân hàng thương mại phải thực hiện nghiêm quy định về cấm sở hữu vốn chồng chéo lẫn nhau trong các ngân hàng.

Ngân hàng Vietcombank đang nắm vốn tại nhiều ngân hàng: 7,16% tại MB, 8,19% vốn tại Eximbank; 4,3% vốn tại SaigonBank và 5,07% vốn tại OCB.

Đến nay, Vietcombank đã thoái vốn thành công tại: SaigonBank, tiếp tục thoái hết tại OCB và năm 2018 sẽ thoái vốn tại MB và Eximbank.

Ngân hàng Eximbank cũng đang từng bước thoái vốn khỏi Sacombank khi mới đây ngân hàng này đã bán 5 triệu cổ phần STB để giảm sở hữu từ 9,16% xuống còn 8,887% vốn tại Sacombank.

Ngân hàng Maritime Bank cũng đã bán 81,3 triệu cổ phần, tương đương 4,75% vốn của MB.

Công ty Cổ phần Him Lam, cổ đông sáng lập ngân hàng LienVietPostBank, đã thoái toàn bộ 14,98% vốn điều lệ đang sở hữu tại LienVietPostBank khi Chủ tịch Him Lam, kiêm chủ tịch LienVietPostBank sang làm chủ tịch Sacombank.

Bên cạnh đó, hàng loạt sếp ngân hàng sẽ phải lựa chọn 01 trong 02 vị trí lãnh đạo chủ chốt tại ngân hàng hoặc doanh nghiệp nơi mình làm chủ.

Vì Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung đã bổ sung khoản 3 và bổ sung khoản 4 vào Điều 34, quy định về việc sếp ngân hàng không được kiêm nhiệm vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp khác, nhằm chặn đứng việc lợi dụng vốn ngân hàng để hình thành “sân sau” của các sếp ngân hàng.

7. Dự trữ ngoại hối kỷ lục 48 tỷ USD

Tại buổi đăng đàn chất vấn Quốc hội chiều 16/11/2017 (kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV), Thống đốc Lê Minh Hưng đã cho biết dự trữ ngoại hối đã lên mức 46 tỷ USD, tăng 7 tỷ USD so với đầu năm.

Đến ngày 21/12/2017, Thống đốc cho biết thêm dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã lên mức gần 48 tỷ USD.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ đến năm 2018.

Theo Thống đốc, mặc dù thời gian cho vay ngoại tệ đã được gia hạn thêm từ 01 năm trước đó (01/01/2017 đến hết ngày 31/12/2017 - Thông tư 31), tuy nhiên, để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giãn thời hạn, mở cơ chế cho vay ngoại tệ ngắn hạn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, vì đây là nguồn cho vay có chi phí thấp hơn so với vay bằng VND.

8. Lại "dậy sóng" huy động vàng trong dân

Năm 2017, một lần nữa đề án "lôi" 500 tấn vàng "nằm gối đầu giường" của người dân lại được đặt ra khi Chính phủ tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tìm biện pháp huy động vàng, USD trong dân.

Theo TS. Lê Thẩm Dương: “Việc huy động nguồn lực vàng, USD nằm nhàn rỗi trong dân là chủ trương đúng nhưng khó”.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế: “Việc huy động USD, vàng cần cảnh giác việc lạm dụng kích thích sự dịch chuyển từ VND sang USD, gây áp lực lên tỷ giá”.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGB): “Vấn đề khó nhất đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại là huy động USD, vàng, sau đó chuyển đổi thành nguồn lực phục vụ đầu tư, sản xuất, kinh doanh thì rất rủi ro về giá nếu tăng - giảm đột biến mà không có những công cụ kiểm soát kịp thời và hiệu quả”.

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh: “Nhà nước cần xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm chính trong huy động vàng; thiết kế các tài sản tài chính (chứng chỉ, trái phiếu...) đối ứng với vàng huy động đảm bảo đủ độ tin cậy, tính khả mại và lợi ích của người nắm giữ; xây dựng kế hoạch cụ thể đối với nguồn lực vàng huy động cũng như các biện pháp phòng ngừa các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình huy động”.

Mới đây nhất, Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam (VTGA) đã gửi văn bản phản đối việc Ngân hàng Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất vàng miếng. Hiệp hội kiến nghị, nên cho phép doanh nghiệp xuất khẩu vàng miếng nhằm huy động nguồn lực vàng trong dân và tăng thu ngoại tệ ngăn chặn được tình trạng xuất lậu vàng miếng.

9. Đại án OceanBank – mức án đề nghị cao nhất: Tử hình

Sốc nhất đối với ngành ngân hàng là việc khởi tố nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ông Đặng Thanh Bình. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố ông Bình về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến "đại án" kinh tế Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát 9.000 tỉ đồng.

Đối với đại án ngân hàng OceanBank, ngày 28/8/2017, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã mở lại phiên xử đại án ngân hàng OceanBank. Phiên tòa có sự tham gia 'kỷ lục' của hơn 50 luật sư bào chữa và gần 750 nhân chứng.

Trong hơn 01 tháng xét xử, tại bản án sơ thẩm, bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank) bị tuyên án tù chung thân. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc OceanBank) nhận án tử hình.

49 đồng phạm của Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm phải nhận các mức án từ 24 tháng cải tạo không giam giữ tới 22 năm tù. Ngoài hình phạt tù, một số bị cáo còn bị tuyên buộc bồi thường dân sự cho nguyên đơn dân sự là OceanBank và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

10. “Sao đổi ngôi” tại Sacombank

Ngân hàng Sacombank vừa tổ chức kỷ niệm 26 năm thành lập và phát triển. Đây có lẽ là ngân hàng gây sự chú ý nhất từ năm 2012 đến nay do có sự thay đổi nhân sự chủ chốt liên tục.

Sau 20 năm nắm giữ Sacombank, ông Đặng Văn Thành, nguyên Chủ tịch Sacombank đã chuyển giao lại hoạt động của Sacombank cho nhóm cổ đông lớn với đại diện là ông Trầm Bê.

Tuy nhiên, ông chủ Sacombank chính thức hiện nay là ông Dương Công Minh, nguyên Chủ tịch ngân hàng LienVietPostBank và nguyên chủ tịch CTCP Him Lam.

Sự đổi ngôi ngoạn mục đầy bất ngờ vì trước đó thông tin ông Nguyễn Đức Hưởng (đương kim Chủ tịch LienVietPostBank) sẽ ngồi vào “ghế nóng” của Sacombank.

Phút chót chiến lược nhân sự đã thay đổi và ông Dương Công Minh là người đảm nhận vị trí này.

Theo Linh Lan

Cùng chuyên mục
XEM