1% các DN giàu có như Google, Apple, Amazon sắp sửa nắm giữ 99% lợi nhuận toàn thế giới?

20/09/2016 08:48 AM | Kinh doanh

Một nhóm nhỏ những công ty khổng lồ như Google, Apple và Amazon đang thắt chặt sự kiểm soát của họ đối với thị trường toàn cầu, sáp nhập với nhau để tạo ra những đế chế thậm chí lớn hơn rất nhiều và cùng nhau hưởng phần lợi nhuận khổng lồ.

Ngày 31/8/1910, tổng thống Theodore Roosevelt đã có bài phát biểu tại Osawatomie, Kansas. Vị cố tổng thống đã biểu dương những thành tựu đáng kinh ngạc của nước Mỹ về sức mạnh thương mại nhưng đồng thời cũng đưa ra lời cảnh bảo rằng nền kinh tế công nghiệp của Mỹ đang chịu sự kiểm soát của một nhóm các tập đoàn khổng lồ và điều này tạo ra khối tài sản vô song cho một nhóm nhỏ người và thậm chí có khả năng kiểm soát cả nền chính trị của Mỹ.

Lời cảnh báo mà thủ tướng Roosevelt đưa ra đó là một đất nước vốn được thành lập dựa trên những quy tắc công bằng về cơ hội đang trải qua mối nguy hiểm của việc trở thành mảnh đất màu mỡ cho các tập đoàn khổng lồ và ông cam kết sẽ làm bất kể điều gì có thể để kiểm soát được những "gã khổng lồ" này.

Bài phát biểu của thủ tướng Roosevelt nghe có vẻ vẫn còn nguyên giá trị ở thời điểm hiện tại. Một nhóm nhỏ những công ty khổng lồ một lần nữa đang tiếp tục thắt chặt sự kiểm soát của họ đối với thị trường toàn cầu, sáp nhập với nhau để tạo ra những đế chế thậm chí lớn hơn rất nhiều và cùng nhau hưởng phần lợi nhuận khổng lồ.

Xét về tỉ lệ % trong GDP, các tập đoàn Mỹ hiện đang đạt mức lợi nhuận cao hơn bao giờ hết tính từ năm 1929. Apple, Google, Amazon và một số công ty khác đang thống trị nền kinh tế toàn cầu hiện nay gần như đúng như những gì nước Mỹ phải trải qua dưới sự thống trị của những công ty thép, dầu mỏ... dưới thời lãnh đạo của thổng thống Roosevelt.

Một vài trong số những tập đoàn khổng lồ hiện nay vốn có truyền thống lâu đời và tự cải tiến mình qua thời gian. Một số khác là những cái tên mới đến từ những quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, tất cả trong số họ đều học được cách kết hợp lợi thế của kích thước khổng lồ với chủ nghĩa kinh doanh. Họ vượt lên trên đối thủ trong một lĩnh vực sau đó là những lĩnh vực khác và tạo dựng nên sức mạnh chống lại đối thủ cạnh tranh, nắm giữ khối tiền mặt khổng lồ tương đương với 10% GDP của Mỹ và thậm chí 47% GDP của Nhật Bản.

Trong giai đoạn từ năm 1980 đến 1990, những nhà nghiên cứu đã chỉ ra hiện tượng suy giảm những đế chế lớn khi các công ty này vô hình đã mở đường cho nền kinh tế tự do, những ông lớn như AT&T bị chia nhỏ và những công ty nhà nước được tư nhân hoá, những công ty công nghệ thì mọc lên ở khắp mọi nơi.

Peter Drucker – một chuyên gia về quản lý tuyên bố rằng “danh sách Fortune 500 (danh sách những công ty lớn nhất nước Mỹ) hết thời rồi”. Điều này phù hợp với tư tưởng của Ronald Coase – một chuyên gia đã tranh luận trong cuốn “The Nature of the Firm” rằng các công ty chỉ tồn tại được khi họ có thể cung cấp dịch vụ rẻ hơn so với thị trường.

Tuy nhiên, "kích thước" lại trở thành vấn đề nan giải trong hiện tại. Viện kinh tế toàn cầu McKinsey tính toán rằng 10% các công ty đại chúng của thế giới tạo ra 80% lợi nhuận. Các công ty với doanh thu hàng năm hơn 1 tỉ USD chiếm gần 60% tổng doanh thu toàn cầu và 65% vốn hóa thị trường.

Kích thước khổng lồ này đang sản sinh ra một thị trường toàn cầu sôi sục cho các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A). Trong năm 1990, có 11.500 thương vụ M&A với tổng giá trị chiếm tới 2% GDP toàn cầu. Nhiều năm sau kể từ 2008, con số này tăng lên 30.000 thương vụ mỗi năm, chiếm 3% tổng doanh thu toàn cầu.

Mới đây nhất là thương vụ AB InBev – một trong những hãng bia lớn nhất thế giới mua lại SABMiller với giá trị lên tới 107 tỉ USD.

Ảnh hưởng của những tập đoàn "quái vật" này có thể nhận thấy rõ tại Mỹ - nền kinh tế tiên tiến số 1 thế giới. Tỷ lệ % doanh thu của những công ty có mặt trong danh sách Fortune 500 trong GDP của Mỹ tăng từ khoảng 33% trong năm 1994 lên 46% trong năm 2013 và bản thân doanh thu của những công ty trong danh sách Fortune 100 cũng tăng từ 57% lên 63% trong cùng giai đoạn.

Số lượng những công ty niêm yết tại Mỹ giảm gần 1 nửa trong giai đoạn từ 1997 đến 2013 từ 6.797 xuống còn 3.485 theo tính toán của giảng viên Gustavo Grullon đến từ Đại học Rice cùng 2 đồng nghiệp của anh phản ảnh xu hướng tăng về sự hợp nhất và kích thước. Doanh thu trung bình của những công ty niêm yết trên thị trường cũng tăng gần gấp 3 lần – đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm. Biên lợi nhuận cũng tăng.

Các công ty khởi nghiệp lại chứng kiến tình trạng khó khăn hơn. Robert Litan – một chuyên gia tới từ Council of Foreign Relations và Ian Hathway tới từ viện Brookings nói rằng số lượng các công ty khởi nghiệp thấp hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 1970 và số lượng các công ty phá sản cũng nhiều hơn so với lượng các công ty mới được sản sinh ra.

Cạnh tranh chỉ còn dành cho những kẻ bại trận

Sức ảnh hưởng của những "gã khổng lồ" đặc biệt thấy rõ trong nền kinh tế tri thức. Tại thung lũng Silicon, một nhóm các tập đoàn đang chiếm thị phần và biên lợi nhuận mà chưa một "ông trùm cướp bóc" khét tiếng nào trong thế kỷ 19 có được.

“Cạnh tranh chỉ còn dành cho những kẻ thua cuộc”, theo Peter Thiel – đồng sáng lập PayPal và là một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Facebook nhận định. Tại phố Wall, 5 ngân hàng lớn nhất tăng thị phần tài sản của họ từ 25% trong năm 2000 lên 45% trong thời điểm hiện tại.

Bức tranh tại những quốc gia giàu có khác cũng rất đa dạng. Trong khi tại Anh và Hàn Quốc, quy mô của những tập đoàn lớn gần giống với Mỹ thì tại châu Âu con số này dường như ít hơn. Trong danh sách 100 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới được thống kê bởi PwC thì số lượng các công ty đến từ châu Âu gảm từ 19 năm 2009 xuống còn 17 thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, khu vực này vẫn có một số công ty nằm trong nhóm những tập đoàn lớn đang định hình thế giới.

Nguy cơ rủi ro là vậy nhưng cũng có một vài mặt tích cực khi nói đến ảnh hưởng của những "gã khổng lồ". Những công ty lớn và quyền lực thúc đẩy đối thủ của họ buộc phải lớn hơn để cạnh tranh. Họ cũng thúc đẩy một số lượng lớn luật sư, hãng tư vấn và những công ty dịch vụ chuyên nghiệp khác trở thành nhà cung cấp toàn cầu nhằm đáp ứng những nhu cầu của họ. Kỷ nguyên kỹ thuật số đang làm mạnh thêm xu hướng này bởi các công ty kỹ thuật số có thể mở rộng mạng lưới ảnh hưởng và hoạt động xuyên biên giới.

James Manyika đến từ viện McKinsey Global chỉ ra rằng những công ty "quái vật" hiện tại khác nhiều so với “tiền bối” của họ. Nếu như trước đây những công ty có doanh thu lớn và định vị toàn cầu luôn có nhiều tài sản và nhân viên (bản thân một số công ty ngôi sao "già cỗi" hiện nay như Walmart và Exxon cũng vẫn theo xu hướng này). Tuy nhiên, những công ty kỹ thuật số với giá trị thị trường khổng lồ và thị phần lớn hiện nay gần như có rất ít tài sản.

Trong năm 1990, 3 nhà sản xuất xe ô tô hàng đầu tại Detroit có tổng doanh thu 250 tỉ USD – vốn hóa thị trường 36 tỉ USD và 1,2 triệu nhân viên. Thì 3 công ty lớn nhất tại thung lũng Silicon vào năm 2014 có doanh thu đạt 247 tỉ USD, vốn hóa thị trường trên 1 nghìn tỉ USD nhưng chỉ có 137.000 nhân viên.

Thực tế là những công ty lớn “già cỗi” cũng đang sử dụng ít nhân viên hơn so với trước đây. Exxon – công ty dầu mỏ thành công nhất thế giới đã cắt giảm một nửa lượng nhân công của họ từ mức 150.000 nhân viên năm 1960 dù đã sáp nhập với một đối thủ lớn là Mobil.

Cùng thời điểm, những công ty lớn “mới nổi” cũng có một vài điểm giống với các "tiền bối" của họ. Những công ty công nghệ cao thường dành những công việc chủ chốt cho người trong nội bộ ở Washington và thành lập cả mội đội ngũ vận động hành lang hùng hậu.

Rất nhiều công ty lớn cất giấu một lượng lớn tiền của họ ở những thiên đường thuế nhằm giảm hóa đơn thuế xuống mức tối thiểu. Những công ty này có xu hướng vượt trội hơn ở mọi thứ mà họ đang làm – bao gồm cả việc vắt kiệt lợi thế từ chính phủ trong khi vẫn cố gắng để phải trả mức thuế thấp nhất có thể.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM