Cơ trưởng Nguyễn Bá Hải: Đam mê bay lượn từ nhỏ, mỗi năm bay khoảng 400 - 500 chuyến, không nhìn khách hàng ở góc độ mấy trăm đô!

29/03/2024 14:58 PM | Sống

"Đối với tôi, bay mang lại cảm giác tự do. Trong cuộc đời, tôi nghĩ ai cũng đi tìm cảm giác tự do. Cho nên tôi mới thích bay. Từ chỗ thích bay, tôi đi vào con đường trở thành phi công", cơ trưởng Hàng không Hải Âu chia sẻ.

Khám phá Vịnh Hạ Long bằng du thuyền, tàu nhỏ hay chèo thuyền tự túc có lẽ là điều không còn xa lạ. Nhưng ngắm những hòn đảo trên thủy phi cơ (máy bay đáp nước) có lẽ là trải nghiệm thú vị, đem đến những cảm giác hoàn toàn khác lạ mà ai cũng nên thử khi du lịch tại Vịnh Hạ Long.

Hành trình du ngoạn kéo dài 25 phút trên tầm cao đủ để ngắm 4 quần đảo: Đảo Tuần Châu - Đảo Đầu Bê - Đảo Cống Đỏ - Đảo Bồ Hòn sẽ rất ấn tượng, đặc biệt là khi bay tới vị trí nào, cơ trưởng, cơ phó sẽ giới thiệu đến đó.

Để tìm hiểu thêm về hoạt động ngắm cảnh trên những chuyến phi cơ Hải Âu hàng đầu châu Á, là một thành viên của Tập đoàn Du lịch Thiên Minh (TMG), chúng tôi đã có buổi trò chuyện với Cơ trưởng Nguyễn Bá Hải - người đã lái hàng nghìn chuyến tham quan cập bến an toàn cho du khách trong nước và quốc tế.

Chúng tôi vinh dự khi được đánh giá là hãng hàng không vận hành thủy phi cơ hàng đầu

- Chào cơ trưởng Nguyễn Bá Hải. Hình thức du lịch ngắm cảnh bằng thủy phi cơ vẫn tương đối mới lạ ở Việt Nam, cũng như ở các nước khu vực Đông Nam Á. Vậy điều này đặt ra cơ hội và thách thức ra sao? Cách các anh học hỏi, nghiên cứu để không ngừng phát triển kiến thức cũng như kỹ năng chuyên môn là gì, thưa anh?

Cơ trưởng Nguyễn Bá Hải: Với vị thế của Hàng không Hải Âu hiện nay, có một số đơn vị ở Thái Lan, Hàn Quốc, Campuchia, CH Czech đã liên hệ với Hải Âu. Các bên đang trong quá trình tiến hành thúc đẩy hợp tác, trao đổi kinh nghiệm. Các đơn vị đó đi sau Hải Âu và bắt đầu gửi phi công sang Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm bởi Hàng không Hải Âu nổi lên là một hình mẫu thành công ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á nói chung. Hàng không Hải Âu là mô hình hay mà các đơn vị khác muốn học hỏi. Về phía mình, Hải Âu cũng dự định đưa phi công sang Thái Lan để bay lấy thêm kinh nghiệm.

Ngoài hoạt động giao lưu hợp tác kể trên, Hải Âu vẫn duy trì các kênh để trao đổi với các tổ chức có nhiều kinh nghiệm trên khắp thế giới, đặc biệt với cộng đồng thủy phi cơ tại Bắc Mỹ và Úc.

- Thông thường mỗi tháng, mỗi tuần, cơ trưởng sẽ trực tiếp điều khiển thủy phi cơ mấy lần? Có những quy định gì về số lượng, tần suất, hành khách mỗi chuyến bay không, thưa anh?

Vì Hàng không Hải Âu là hãng bay Air Taxi nên chúng tôi hoạt động theo yêu cầu của khách, tối đa theo lịch 5 – 7 ngày, 8 chuyến/ngày. Chúng tôi không được làm việc quá 60 giờ/tuần, trong một tháng không quá 90 giờ. Tuỳ thuộc vào mùa cao điểm hay thấp điểm mà trung bình một phi công của Hải Âu bay từ 50 – 70 giờ/tháng. Đây là một con số tốt để đảm bảo mỗi chuyến bay của Hàng không Hải Âu với tối đa 12 hành khách, chưa bao gồm cơ trưởng và cơ phó, trên mỗi chuyến diễn ra thành công nhất.

- Thủy phi cơ mang lại sự khác biệt, lợi ích, giá trị gì đối với ngành Du lịch nói riêng cũng như kinh tế xã hội nói chung, thưa anh?

Chúng ta đã quá quen thuộc với hàng không thương mại, một loại hàng không đưa con người từ điểm A đến điểm B. Với thuỷ phi cơ Hải Âu, nhiệm vụ của chúng tôi là đưa con người lên máy bay để ngắm cảnh. Người ta không cần Hải Âu theo nghĩa đi từ A đến B, tất nhiên, đi từ Hà Nội đến Hạ Long là một lý do, nhưng lý do nhiều hơn là để ngắm cảnh mang đến trải nghiệm, giải trí thú vị. Hải Âu đang góp phần tạo ra nền tảng hàng không chung tại Việt Nam.

Cơ trưởng Nguyễn Bá Hải: Đam mê bay lượn từ nhỏ, mỗi năm bay khoảng 400 - 500 chuyến, không nhìn khách hàng ở góc độ mấy trăm đô! - Ảnh 2.

- Nhiều người có sự nhầm lẫn giữa trực thăng và thủy phi cơ, anh có thể giải thích kỹ hơn được không?

Rất nhiều người nhầm lẫn, theo tôi, sự nhầm lẫn này được nhìn trên 2 góc độ:

Một là góc độ về chuyên môn hàng không. Ở Việt Nam, máy bay trực thăng và máy bay thủy phi cơ không phổ biến nên mọi người dễ nhầm lẫn. Hai là về vấn đề ngôn ngữ. "Trực thăng" và "thủy phi cơ", đặc biệt là "thủy phi cơ" khá lạ lẫm với mọi người vì chúng ta quen gọi là "máy bay", giờ ghép vào thành "máy bay thủy phi cơ" nghe rất dài và hiếm ai nói vậy.

Để mọi người hiểu hơn và tránh nhầm lẫn, nếu khắc phục về mặt kiến thức hàng không thì hơi khó nhưng về mặt ngôn ngữ, tôi đề xuất giảm dần cách gọi "thủy phi cơ" và thay bằng "máy bay đáp nước", song song với "máy bay lên thẳng".

- Được biết, Hàng không Hải Âu đã 5 lần liên tiếp được giải thưởng World Travel Awards bình chọn là hãng hàng không dẫn đầu về điều hành thủy phi cơ ở châu Á, tính đến năm 2023. Anh có thể chia sẻ giải thưởng đặc biệt này?

Tôi thấy vui mừng và hãnh diện khi đây là lần thứ 5 liên tiếp Hàng không Hải Âu đạt được Giải thưởng Hãng Hàng không vận hành thủy phi cơ hàng đầu châu Á. Hiện nay ở châu Á không có nhiều hãng hàng không vận hành thủy phi cơ và mỗi quốc gia nếu có chỉ là một hãng nhỏ hoạt động bay nội địa trong khu vực nhỏ.

Vì thế, chúng tôi không có điều kiện để giao lưu, học hỏi lẫn nhau mà phải tự vận động trong môi trường biệt lập.

Cơ trưởng Nguyễn Bá Hải: Đam mê bay lượn từ nhỏ, mỗi năm bay khoảng 400 - 500 chuyến, không nhìn khách hàng ở góc độ mấy trăm đô! - Ảnh 2.


Tôi tìm được hạnh phúc trong công việc…

- Trước mỗi chuyến bay, anh sẽ chuẩn bị những gì?

Chúng tôi bám theo quy định của pháp luật của quy trình của hãng: Đầu tiên là nhận kế hoạch bay và sau đó, tổ bay trao đổi thông tin với nhau. Đó là yếu tố chuẩn mực và đạo đức nghề nghiệp. Nếu tổ bay thấy có phi công không đáp ứng yếu tố nào, ví dụ mất tập trung, thì người còn lại có thể báo cáo cho công ty. Nếu có phi công bị phàn nàn về chất lượng công việc, công ty cũng có quy trình khoa học xử lý, tìm hiểu khách quan về sự việc. Câu chuyện được đánh giá từ 2 phía để đạt mục tiêu cuối cùng là sự an toàn chung của chuyến bay. Nói cách khác, mọi công việc được thực hiện trên nền tảng bộ quy trình chuẩn (SOP).

Là phi công chuyên nghiệp, chúng tôi phải trải qua các bước theo quy định nghiêm ngặt. Và cũng vì thế, phi công chuyên nghiệp khác với phi công bay theo hình thức giải trí, bay trong câu lạc bộ,… Những gì chúng tôi đang xây dựng ở Hải Âu là tạo ra môi trường có tính xây dựng, nâng cao năng lực của phi công và mục đích cuối cùng là tạo ra những chuyến bay an toàn.

Ngoài ra, trong lĩnh vực hàng không, chúng tôi có môn Quản lý nguồn lực tổ bay. Trong ngày đi bay, phi công có kinh nghiệm có khoảnh khắc đánh giá bản thân về thể chất và cảm xúc, tình trạng hiện tại, thái độ với các thành viên trong gia đình,... Ngoài việc tự đánh giá bản thân, trước giờ bay các cơ trưởng, cơ phó sẽ trao đổi với nhau cẩn trọng.

Về mặt kỹ thuật, yếu tố thời tiết cần được đánh giá kỹ. Hạ Long là khu vực bay tự do, không có cơ sở không lưu, không có sân bay, không có hệ thống hỗ trợ mặt đất nên việc đánh giá về thời tiết là điều rất quan trọng. Thậm chí tối hôm trước ngày bay, phi công phải tìm hiểu trước về thời tiết Hạ Long: sóng không khí lạnh, gió, hướng bay, yếu tố ngoại cảnh khác.

- Anh có thể chia sẻ về cơ duyên đến với nghề được không? Hiện tại, anh đã điều khiển thủy phi cơ được bao lâu?

Tôi đam mê hàng không từ nhỏ. Bất kể thứ gì bay được, tôi đều cố gắng chế tạo và tìm hiểu kỹ. Từ nhỏ tôi đã chế tạo máy bay mô hình, điều khiển từ xa, mua máy bay. Sau đấy tôi đi bay dù lượn.

Cơ trưởng Nguyễn Bá Hải: Đam mê bay lượn từ nhỏ, mỗi năm bay khoảng 400 - 500 chuyến, không nhìn khách hàng ở góc độ mấy trăm đô! - Ảnh 3.

Đối với tôi, bay mang lại cảm giác tự do. Trong cuộc đời, tôi nghĩ ai cũng đi tìm cảm giác tự do. Cho nên tôi mới thích bay. Từ chỗ thích bay, tôi đi vào con đường trở thành phi công. Nếu như ở Việt Nam có điều kiện, các câu lạc bộ bay thì tôi có thể bay theo sở thích. Thế nhưng ở Việt Nam không có, cơ chế quản lý của chưa cho phép tạo ra hành lang pháp lý để có thể tổ chức các hoạt động bay phi thương mại, nên tôi chọn đi theo con đường phi công chuyên nghiệp và dần dần gắn bó với nghề. 

Tôi tìm được hạnh phúc trong công việc. Ngược lại, công việc cũng "đối xử" với tôi rất tốt, giúp tôi có cuộc sống tốt, thu nhập khá, có vị trí xã hội. Hiện tôi đã làm ở Hải Âu được hơn 10 năm.

- Đến nay, anh có nhớ là mình đã bay bao nhiêu chuyến? Đâu là chuyến đi để lại trong anh ấn tượng khó quên, thưa anh?

Tôi không thể nhớ là đã bay bao nhiêu chuyến. Nhưng trung bình mỗi năm bay khoảng 400 – 500 chuyến, vậy 10 năm đã qua thì xấp xỉ 5.000 chuyến, khoảng 4.000 giờ bay. 10 năm làm việc của tôi cũng là 10 năm phát triển của Hải Âu. Tôi có nhiều kỷ niệm khó quên, trong đó, những chuyến bay đánh dấu những mức tiến bộ của Hải Âu luôn là những chuyến bay tôi nhớ nhiều nhất.

Chẳng hạn như chuyến bay đầu tiên của tôi từ Hà Nội đến Hạ Long năm 2014. Hay Hải Âu mở dịch vụ bay khảo sát địa chất, đo đạc ở Việt Nam. Đấy là những chuyến bay đầu tiên tôi rất nhớ, bởi vì trước Hải Âu không có công ty nào làm việc đó.

Tôi còn nhớ đó là những chuyến bay năm 2018, lần đầu tiên Hải Âu thực hiện chuyến bay khảo sát địa chất, bay từ sân bay Huế, bay ra biển và bay về. Bay khảo sát địa chất không phải là chuyến bay từ điểm A đến điểm B, mà người ta cần đưa một thiết bị máy móc lên không trung để đo từ trường và trọng lực của Trái đất theo dự án của Bộ Tài nguyên Môi trường. Người ta cần phải đo giá trị của từ trường và trọng lực của Trái đất trên toàn bộ vùng biển của Việt Nam.

Yêu cầu của các chuyến bay là máy bay phải duy trì độ cao thấp, khoảng 400m. Bay từ bờ biển bay ra khoảng 100km rồi quay trở lại, đường bay song song như những luống cày ngang dọc khắp vùng biển từ Nam chí Bắc. Bay thấp như vậy thì máy bộ đàm không liên lạc được với sân bay và đài chỉ huy không lưu trên bờ. Chúng tôi phải nghiên cứu, tìm hiểu để tăng tính an toàn, ví dụ trang bị thêm cho máy bay thuyền phao để có phương án an toàn khi cần đáp xuống biển; Xây dựng phương án bay khi không có liên lạc với trong đất liền…

Cơ trưởng Nguyễn Bá Hải: Đam mê bay lượn từ nhỏ, mỗi năm bay khoảng 400 - 500 chuyến, không nhìn khách hàng ở góc độ mấy trăm đô! - Ảnh 4.

Sau một thời gian dài chuẩn bị, chuyến bay đầu tiên của tôi bay từ sân bay Huế, bay ra biển rất thành công. Hôm đó, trời trong xanh, biển xanh ngắt, tôi đã đếm từng phút, từng dặm trên đường ra biển để đến mốc có thể quay vào. Tâm trạng khá hồi hộp vì tôi chưa bao giờ đi ra biển xa ở độ cao thấp như vậy.

Sau đó dần dần khi đã làm chủ được kỹ thuật và phương pháp làm việc, suốt từ năm 2018 - 2021- thời điểm kết thúc dự án, Hải Âu bay được hơn 1.000 giờ cho dự án, đo được giá trị từ trường và trọng lực Trái đất trên một vùng lãnh thổ lớn của Việt Nam kéo dài từ Móng Cái đến Hà Tiên, biển Vịnh Thái Lan. Qua những chuyến bay đấy, chúng tôi cũng được đi khắp đất nước, từ Nam ra Bắc.

Hải Âu còn có những chuyến bay ra đảo Cô Tô trên đường bay mới lần đầu tiên năm 2022. Cô Tô là nơi chưa bao giờ có thuỷ phi cơ bay đến. Biển Quảng Ninh là vùng biển rất cần thuỷ phi cơ. Các đảo ở đây không quá rộng nhưng lại bị chia cắt. Việc ứng dụng thuỷ phi cơ là điều tốt, giúp kết nối các địa phương trong khu vực Quảng Ninh.

Cố gắng mang lại trải nghiệm trọn vẹn nhất cho khách bởi họ chỉ đến với mình một lần trong đời!

- Khi gặp áp lực trong công việc, anh sẽ có cách cân bằng ra sao?

Áp lực công việc rất lớn. Nhưng có 3 nguồn giúp tôi cân bằng trong công việc. Đầu tiên, niềm đam mê bay lượn thuở nhỏ đã giúp tôi quên đi khó khăn. Tôi đam mê nghề bay, mơ ước được bay, trả giá rất nhiều để được bay. Vì thế khi gặp áp lực, tôi coi đó là điều bình thường của công việc.

Thứ hai, ở Việt Nam, hàng không thương mại đã khá phát triển nhưng những mô hình bay theo kiểu hàng không chung còn đang thiếu. Và khi đã xác định sứ mệnh của mình là người tiên phong thì mình phải chịu những gió ngược rất lớn và chấp nhận trả giá. Đấy là sứ mệnh không chỉ của riêng tôi mà của cả Hải Âu. Vì thế, tôi coi áp lực công việc gặp phải là điều bình thường.

Thứ ba, niềm vui của hành khách giúp tôi quên đi mỏi mệt, lo toan. Đối với tôi, một ngày bay 8 chuyến, một năm bay 500 chuyến nhưng hành khách đến với mình chỉ một lần trong đời. Có những trải nghiệm là vô giá. Thế nên tôi nên lấy đó làm một loại động lực. Tôi không nhìn khách hàng ở góc độ mấy trăm đô hay đong đếm thời gian bay, tôi cố gắng khiến trải nghiệm của khách được trọn vẹn. Và tất cả phi công của Hải Âu đều ý thức được việc đó.

Cơ trưởng Nguyễn Bá Hải: Đam mê bay lượn từ nhỏ, mỗi năm bay khoảng 400 - 500 chuyến, không nhìn khách hàng ở góc độ mấy trăm đô! - Ảnh 5.

- Trong giai đoạn dịch bệnh COVID - 19 với nhiều biến động, ngành Du lịch chịu tổn thất lớn, gặp nhiều thách thức. Vậy hãng Hàng không Hải Âu (hình thức thủy phi cơ) đã có những chính sách gì để vượt qua khủng hoảng?

Rất may mắn Hải Âu được thị trường nội địa cứu sống trong thời kỳ COVID-19. Trước khi dịch bệnh tới, Hải Âu tập trung vào thị trường khách quốc tế. Khi COVID-19 xảy ra, Hải Âu mất đi lượng khách quốc tế nên trong năm 2020 chuyển đổi chính sách bán, mô hình bán và cơ cấu lại giá để nhắm vào thị trường khách Việt Nam. Gần như trong những năm dịch bệnh, đường bay Hà Nội – Hạ Long không khai thác được. Bởi người Việt Nam không bay đường bay như thế nhưng người ta xuống Hạ Long bay ngắm cảnh rất nhiều.

Lúc cao điểm của COVID-19 - năm 2020, 2021, khi bị "ngăn sông, cấm chợ", Hải Âu vẫn sống được một phần nào nhờ người địa phương, là những người có thể di chuyển được trong tỉnh Quảng Ninh. Có những chuyến bay chở hành khách là bà con dân tộc từ trên huyện miền núi Quảng Ninh xuống Tuần Châu. Đến năm 2023, nguồn khách quốc tế mới thực sự quay trở lại.

- Kế hoạch phát triển của Hải Âu trong thời gian tới là gì, thưa anh?

Chắc chắn Hải Âu sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp để đảm bảo cung cấp cho du khách những chuyến bay ngắm cảnh an toàn nhất và mãn nhãn nhất. Tất cả những gì Hải Âu đã trải qua, thành công, kể cả những thất bại, cũng mang lại những bài học để tiếp tục phát triển hơn nữa.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Ứng Hà Chi

Cùng chuyên mục
XEM